YBM CHÍNH THỨC ĐƯA VĂN PHÒNG NHÀ MÁY MỚI VÀO HOẠT ĐỘNG

YBM CHÍNH THỨC ĐƯA VĂN PHÒNG NHÀ MÁY MỚI VÀO HOẠT ĐỘNG

Từ ngày 28/12/2024, văn phòng nhà máy mới đã chính thức đi vào hoạt động góp phần xây dựng môi trường làm việc hiện đại, chuyên nghiệp tạo điều kiện thuận lợi và tiện ích hơn cho cán bộ nhân viên nhà máy.

 

Văn phòng nhà máy mới được thiết kế khang trang, xanh mát, tạo không gian làm việc thoải mái, thúc đẩy sáng tạo và hiệu suất. Chúng tôi tin rằng đây sẽ là nền tảng vững chắc để YBM tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, mang đến những giá trị tốt nhất cho khách hàng và đối tác.

Xin chân thành cảm ơn sự tin tưởng và đồng hành của quý khách hàng trong suốt chặng đường phát triển của YBM!

Tăng giá gấp đôi sau 1 tháng niêm yết, cổ phiếu YBM có gì?

(ĐTCK) Ngày 21/8/2018, gần 130 triệu cổ phiếu YBM của CTCP Khoáng sản công nghiệp Yên Bái chính thức chào sàn HOSE với giá tham chiếu 14.500 đồng/CP, đến ngày 12/9 đã leo lên mức 29.000 đồng/CP, tức tăng gấp đôi chỉ sau 15 phiên giao dịch. Thanh khoản cũng trong xu hướng tăng dần, với khối lượng giao dịch bình quân 396.000 đơn vị/phiên. Điều gì khiến cổ phiếu YBM tăng “phi mã” chỉ trong thời gian ngắn?

YBM được thành lập vào tháng 10/2015, với vốn điều lệ ban đầu là 35 tỷ đồng. Từ đó đến hết tháng 6/2018, sau 2 đợt phát hành cổ phần tăng vốn, vốn điều lệ của YBM đã tăng lên 130 tỷ đồng, tức gấp 3,7 lần sau chưa đầy 4 năm.

Theo kế hoạch, trong nửa cuối năm 2018, YBM sẽ tiếp tục tăng vốn lên 160 tỷ đồng. Như vậy, YBM chỉ còn hơn 3 tháng để hoàn thành kế hoạch tăng vốn này. Theo giới quan sát, việc giá cổ phiếu trong xu hướng tăng sẽ giúp việc tăng vốn của YBM thuận lợi hơn.

Hoạt động chính của YBM là sản xuất bột đá siêu mịn CaCO3 – chất độn quan trọng trong công nghiệp nhựa, sơn, giấy, cao su…

Trong cơ cấu doanh thu năm 2017, xuất khẩu chiếm khoảng 30%, thị trường chính là Ấn Độ, Trung Quốc, Bangladesh, Srilanka…, trong khi tỷ trọng doanh thu nội địa khá trồi sụt, từ mức 98% tổng doanh thu năm 2016 giảm về 71,64% năm 2017 và nửa đầu năm 2018 tăng lên 76%.

Khách hàng lớn nhất của YBM cũng là cổ đông sáng lập – CTCP Nhựa Châu Âu (EuroPlas). Công ty này bao tiêu 50% sản lượng sản xuất cho YBM. Hiện EuroPlas sở hữu 23% vốn của YBM (tương đương 2,99 triệu cổ phiếu), là cổ đông lớn nhất của YBM.

Trước đó, ở thời điểm thành lập công ty, EuroPlas sở hữu 3,2 triệu cổ phần, tương đương 92,86% vốn YBM. Tăng vốn nhanh là nguyên nhân khiến tỷ lệ sở hữu của các cổ đông sáng lập giảm mạnh.

Ngoài EuroPlas, trong số cổ đông sáng lập của YBM còn có Công ty Khoáng sản công nghiệp miền Bắc với sở hữu 100.000 cổ phần, ông Lê Hoàn sở hữu 50.000 cổ phần và ông Nguyễn Tiến Dũng, hiện là Tổng giám đốc Công ty, sở hữu 100.000 cổ phần (tương đương 0,77% vốn, giảm so với mức ban đầu là 2,86%).

Hiện tại, Công ty Khoáng sản công nghiệp miền Bắc và ông Lê Hoàn không còn sở hữu cổ phần YBM.

Theo quy định, toàn bộ số lượng cổ phần của cổ đông sáng lập (3,5 triệu cổ phần) bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 3 năm kể từ ngày thành lập (5/10/2015).

Điều này có nghĩa, các cổ đông sáng lập chỉ được tự do chuyển nhượng cổ phần sau thời điểm 5/10/2018. Việc giảm số lượng cổ phiếu nắm giữ của một số cổ đông sáng lập nêu trên, được YBM giải thích rằng: “Việc chuyển nhượng cổ phần của cổ đông sáng lập đã được thông qua qua các kỳ họp Đại hội đồng cổ đông năm 2017 và năm 2018”.

Số lượng cổ phần hạn chế chuyển nhượng hiện nay là khoảng 2,4 triệu cổ phần, tương đương 18,46% vốn YBM.

Hiện tại, HĐQT của YBM có 5 thành viên, nhưng có 3 thành viên không sở hữu cổ phần YBM, đó là ông Hoàng Quốc Huy (Chủ tịch HĐQT), ông Huỳnh Song Trà (Phó tổng giám đốc EuroPlas) và ông Hoàng Văn Hùng.

Hai thành viên còn lại là ông Nguyễn Tiến Dũng (Tổng giám đốc, cũng là cổ đông sáng lập) và ông Hoàng Anh Quân (Phó tổng giám đốc, từng là người của EuroPlas). Ông Huy đang là đại diện sở hữu 23% vốn tại YBM của EuroPlas.

Về kế hoạch kinh doanh, năm 2018, YBM đặt kế hoạch tăng trưởng mạnh với doanh thu thuần 400 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 63 tỷ đồng, tăng lần lượt 81,7% và 113% so với thực hiện năm 2017 (cổ tức dự kiến 35%).

Tuy nhiên, lũy kế 6 tháng đầu năm 2018, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của YBM mới đạt 147 tỷ đồng và 20 tỷ đồng, tức mới hoàn thành 37% và 32% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận cả năm.

Với kết quả này, EPS cơ bản của YBM là 1.899 đồng và P/E là 15 lần. Nếu hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh cũng như tăng vốn, EPS cả năm 2018 ước đạt khoảng 3.937 đồng và P/E forward là 7,2 lần.

Sau nửa đầu năm, YBM đã đưa vào vận hành nhà máy giai đoạn 3 và 4 với tổng công suất 32.000 tấn/tháng. Theo YBM, Công ty đang có các hợp đồng lớn với CTCP Nhựa Châu Âu giá trị dự kiến 180 tỷ đồng, CTCP Khoáng sản VNS Việt Nam giá trị dự kiến 7,5 tỷ đồng, Công ty TNHH Nguyên liệu công nghiệp Thắng Phạm giá trị dự kiến 9 tỷ đồng.

Hiện YBM đang xây dựng Nhà máy sản xuất hạt nhựa Taical và sản xuất bột đá CaCO3 trên lô đất mới với tổng diện tích 4,4 ha, với công suất hạt nhựa Taical là 99.000 tấn/năm và bột đá CaCO3 là 150.000 tấn/năm.

Đồng thời, năm nay, YBM đi vào khai thác đá hoa làm bột đá CaCO3 tại mỏ đá thuộc khu vực xã Minh Tiến 1, Tỉnh Yên Bái, có trữ lượng 12.470.994 m3 và thời gian khai thác đến năm 2041. Với những dự án đang triển khai, YBM cho biết, sẽ hoàn thành kế hoạch đề ra.

ảnh 1

So sánh với một số doanh nghiệp hoạt động cùng lĩnh vực và đang niêm yết, YBM xếp sau HII (CTCP Nhựa và khoáng sản An Phát – Yên Bái), PLP (CTCP Sản xuất và công nghệ Nhựa Pha Lê), nhưng xếp trên AMC (CTCP Khoáng sản Á Châu) về doanh thu thuần, lợi nhuận sau thuế và vốn chủ sở hữu. EPS năm 2017 YBM vào khoảng 4.383 đồng (xem bảng).

Xét dưới góc độ thị trường, YBM cùng các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất bột đá không gặp quá nhiều cạnh tranh, trong khi ngành nhựa có dư địa phát triển lớn, nhưng khó khăn là phụ thuộc vào chính sách về khai thác khoáng sản và hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô.

Giá tăng phi mã, YBM đang mở ra cơ hội kiếm lợi nhanh cho nhà đầu tư, nhưng cũng có không ít người lo ngại, hiện tượng tăng giá quá mạnh có thể sẽ kích thích hành vi thoái vốn của các cổ đông sáng lập.Thị trường sẽ mang đến câu trả lời sau thời điểm 5/10/2018.

GIẢI BÓNG ĐÁ YBM 2018

Ngày 29/09/2018, Công ty cổ phần khoáng sản công nghiệp Yên Bái cùng công ty cổ phần Nhựa Châu Âu khai mạc giải đấu bóng đá hữu nghị giữa các công ty. Đây là dịp để các cán bộ, nhân viên YBM tham gia các hoạt động thể thao đoàn thể gắn kết chung phong trào thể dục thể thao chung.

 

Kinh doanh không có gì đặc biệt, vì đâu cổ phiếu YBM luôn kịch trần và lau sàn?

Gia nhập HOSE vào ngày 21/08, cổ phiếu YBM đã khiến nhà đầu tư tròn mắt khi phần lớn đều kết thúc phiên giao dịch trong sắc trần hoặc giảm kịch sản.

Cổ phiếu YBM của CTCP Khoáng sản Công nghiệp Yên Bái vừa chào sàn đã tăng trần nhiều phiên liên tiếp, tạo đỉnh đầu tiên ở vùng giá 23,250 đồng/cp vào ngày 27/08 và đan xen các phiên tăng trần sau đó, trước khi đạt đỉnh 29,000 đồng/cp (12/09). Tuy nhiên, đến ngày 13/09 cổ phiếu YBM đảo chiều “lau sàn” 3 phiên liền kề, rớt về 21,600 đồng/cp trong ngày giảm sàn thứ 6 (21/09).

Biến động giá cổ phiếu YBM từ khi lên sàn đến nay
Cổ phiếu YBM quay đầu “lau sàn”

Điều gì khiến cổ phiếu YBM biến động đặc biệt như vậy?

Xét về cơ cấu cổ đông của YBM, tính đến ngày 30/05/2018 đã có sự thay đổi lớn so với thời điểm mới thành lập. Tại thời điểm thành lập Công ty, cơ cấu cổ đông của YBM rất “cô đặc” khi 93% vốn thuộc về CTCP Nhựa Châu Âu, Công ty Khoáng sản Công nghiệp Miền Bắc và Thành viên HĐQT đều nắm giữ 2.86%, số cổ phần còn lại thuộc sở hữu của nhà đầu tư các nhân Lê Hoàn.

Tính đến ngày 30/05/2018, CTCP Nhựa Châu Âu chỉ còn nắm giữ 23%, Thành viên HĐQT Nguyễn Tiến Dũng nắm lượng không đáng kể 0.07%, còn lại hơn 77% là cổ đông khác.

Cơ cấu cổ đông YBM tại thời điểm thành lập Công ty (Trái) và  tại thời điểm 30/05/2018 (Phải)
Nguồn: Bản cáo bạch niêm yết 2018

CTCP Khoáng sản Công nghiệp Yên Bái (HOSE: YBM) được thành lập vào ngày 05/10/2015 với vốn điều lệ ban đầu là 35 tỷ đồng. Bột đá CaCO3 (Cacbonat Canxi) là sản phẩm chính của Công ty, đóng góp khoảng 60-70% tổng doanh thu, được dùng làm chất phụ gia trong ngành công nghiệp sơn, nhựa, giấy, cao su,… và một số ứng dụng khác trong ngành công nghiệp.

Sản phẩm chính của YBM, đóng góp 60-70% tổng doanh thu
Nguồn: YBM

Ngoài tiêu thụ ở thị trường trong nước, dự kiến sản phẩm của Công ty sẽ được xuất khẩu sang Ấn Độ, Trung Quốc, Bangladesh, Srilanka,… Hiện tại, Ấn Độ và Bangladesh là 2 thị trường xuất khẩu chủ lực của YBM.

Rủi ro của ngành hàng này là một khi các quốc gia tiêu thụ có sự thay đổi về chính sách nhập khẩu thì thị trường tiêu thụ sản phẩm đá trắng của doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, YBM có cổ đông lớn là CTCP Nhựa Châu Âu (23%, 2.99 triệu cp) – một trong 5 nhà sản xuất chất độn nhựa filler masterbatch lớn trên thế giới cam kết tiêu thụ 50% sản lượng sản xuất của Công ty.

Do nhu cầu về nguồn vốn để đầu tư và triển khai các dự án, từ tháng 4/2017 đến nay Công ty đã thực hiện tăng vốn điều lệ 2 lần, nâng tổng mức vốn điều lệ lên gần 130 tỷ đồng.

YBM hiện có 2 công ty con là CTCP Thiết bị điện và Khoáng sản Yên Bái (96.9%, 1.9 triệu cp) và Công ty TNHH Talc Việt Nam (99%, 14.9 triệu cp). Tuy nhiên, 2 công ty con này đang trong quá trình đầu tư xây dựng cơ bản nên chưa phát sinh doanh thu và lợi nhuận mà chỉ phát sinh chi phí quản lý doanh nghiệp.

Doanh thu của YBM đạt mức tăng trưởng cao ngay từ năm thứ 2 đi vào hoạt động với kết quả hơn 220 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần so với năm 2016.

Kết quả kinh doanh 2016, 2017 và Quý 2/2018. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: BCTC hợp nhất 2016, 2017 và Quý 2/2018

Cùng với đó, tổng lợi nhuận của Công ty cũng tăng trưởng đều qua các năm. Năm 2016, YBM báo lãi gần 11 tỷ đồng, đến năm 2017 con số này gấp 3 lần lên gần 30 tỷ đồng. Chỉ trong 2 quý đầu năm 2018 đạt hơn 11 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Tỷ lệ giá vốn hàng bán/doanh thu của Công ty có xu hướng giảm qua các năm, từ 69% ở năm 2016 xuống còn 59% ở năm 2017 và hơn 59% trong 6 tháng đầu năm 2018. Nguyên nhân do giai đoạn 2015-2016 là những năm đầu Công ty mới đi vào hoạt động nên phát sinh nhiều chi phí liên quan đến chạy thử, thay thế vật tư,… Từ năm 2017, hoạt động kinh doanh của Công ty đi vào ổn định, năng suất tăng cao dẫn đến giảm giá thành.

Với kết quả kinh doanh khả quan, Công ty chia cổ tức 2016 và 2017 lần lượt 29% và 30%. Dư nợ vay và nợ thuê tài chính của Công ty tăng đột biến từ 36 tỷ đồng năm 2016 lên gần 112 tỷ đồng năm 2017. Các khoản vay của Công ty chủ yếu là vay ngắn hạn, có tài sản đảm bảo tại hai ngân hàng là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam.

Cơ cấu nợ vay 2016, 2017 và Quý 2/2018. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: BCTC hợp nhất 2016, 2017 và Quý 2/2018

Các khoản vay này được sử dụng với mục đích mua nguyên vật liệu, công cụ dụng cụ; trang trải chi phí sản xuất kinh doanh, chi phí bán hàng cho việc mở rộng, tăng năng suất sản xuất kinh doanh của Công ty trong năm 2017. Thêm vào đó, giá trị khoản vay và nợ thuê tài chính tăng mạnh do Công ty đầu tư thêm 2 dây chuyền máy nghiền thủy lực trong năm 2017.

Tính đến hết quý 2/2018, dư nợ vay và nợ thuê tài chính của Công ty là 169.5 tỷ đồng, tập trung chủ yếu là các khoản vay ngắn hạn tại các ngân hàng (hơn 133 tỷ đồng) và các khoản nợ thuê tài chính dài hạn (trên 33 tỷ đồng).

Chi phí lãi vay 2016, 2017 và Quý 2/2018. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: BCTC hợp nhất 2016, 2017 và Quý 2/2018

Công ty đang trong giai đoạn kinh doanh tăng trưởng mạnh khi chỉ số ROE năm 2017 đạt 33.5%, ROA đạt 16.7%. Trong khi đó, lãi suất vay vốn và nợ thuê tài chính bình quân năm 2017 từ 4.5%-8%, thấp hơn tỷ suất sinh lời của tài sản. Dựa trên kế hoạch đặt ra, doanh thu năm 2018 dự kiến đạt 400 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ước đạt 63 tỷ đồng. EPS 2017 của YBM đạt 4,383 đồng, đây là mức trung bình so với ngành sản xuất bột đá siêu mịn CaCO3 và hạt nhựa hiện nay.

Năm 2018, Công ty đưa vào vận hành nhà máy giai đoạn 3 với 2 máy thủy lực có công suất 12,000 tấn/tháng và đầu tư nhà máy giai đoạn 4 với công suất 20,000 tấn/tháng. Do đó, dự kiến sản lượng sản xuất năm 2018 tăng lên 350,000 tấn/năm.

Trong nửa đầu năm 2018, Công ty tiếp tục đầu tư nhà máy 4 với 5 máy nghiền thủy lực bổ sung công suất 150,000 tấn/năm, cung cấp bổ sung cho khách hàng lớn là CTCP Nhựa Châu Âu đang tăng trưởng nóng trong các năm qua, tiến sâu vào thị trường Trung Quốc, Sri Lanka và South Africa.

Đồng thời, Công ty đi vào khai thác đá hoa làm bột đá CaCO3 tại mỏ đá thuộc khu vực tỉnh Yên Bái, có trữ lượng gần 12.5 triệu m3 và thời gian khai thác đến năm 2041.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt gần 147 tỷ đồng, gấp 1.5 lần cùng kỳ năm 2017. Trong đó, doanh thu bán hàng nội địa đạt hơn 111.6 tỷ đồng, chiếm 76% trong tổng cơ cấu doanh thu và doanh thu bán hàng hóa xuất khẩu đạt hơn 35.3 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế mang về 22 tỷ đồng.

Nguyên Ngọc
FILI