Tăng giá gấp đôi sau 1 tháng niêm yết, cổ phiếu YBM có gì?

22/11/2018

(ĐTCK) Ngày 21/8/2018, gần 130 triệu cổ phiếu YBM của CTCP Khoáng sản công nghiệp Yên Bái chính thức chào sàn HOSE với giá tham chiếu 14.500 đồng/CP, đến ngày 12/9 đã leo lên mức 29.000 đồng/CP, tức tăng gấp đôi chỉ sau 15 phiên giao dịch. Thanh khoản cũng trong xu hướng tăng dần, với khối lượng giao dịch bình quân 396.000 đơn vị/phiên. Điều gì khiến cổ phiếu YBM tăng “phi mã” chỉ trong thời gian ngắn?

YBM được thành lập vào tháng 10/2015, với vốn điều lệ ban đầu là 35 tỷ đồng. Từ đó đến hết tháng 6/2018, sau 2 đợt phát hành cổ phần tăng vốn, vốn điều lệ của YBM đã tăng lên 130 tỷ đồng, tức gấp 3,7 lần sau chưa đầy 4 năm.

Theo kế hoạch, trong nửa cuối năm 2018, YBM sẽ tiếp tục tăng vốn lên 160 tỷ đồng. Như vậy, YBM chỉ còn hơn 3 tháng để hoàn thành kế hoạch tăng vốn này. Theo giới quan sát, việc giá cổ phiếu trong xu hướng tăng sẽ giúp việc tăng vốn của YBM thuận lợi hơn.

Hoạt động chính của YBM là sản xuất bột đá siêu mịn CaCO3 – chất độn quan trọng trong công nghiệp nhựa, sơn, giấy, cao su…

Trong cơ cấu doanh thu năm 2017, xuất khẩu chiếm khoảng 30%, thị trường chính là Ấn Độ, Trung Quốc, Bangladesh, Srilanka…, trong khi tỷ trọng doanh thu nội địa khá trồi sụt, từ mức 98% tổng doanh thu năm 2016 giảm về 71,64% năm 2017 và nửa đầu năm 2018 tăng lên 76%.

Khách hàng lớn nhất của YBM cũng là cổ đông sáng lập – CTCP Nhựa Châu Âu (EuroPlas). Công ty này bao tiêu 50% sản lượng sản xuất cho YBM. Hiện EuroPlas sở hữu 23% vốn của YBM (tương đương 2,99 triệu cổ phiếu), là cổ đông lớn nhất của YBM.

Trước đó, ở thời điểm thành lập công ty, EuroPlas sở hữu 3,2 triệu cổ phần, tương đương 92,86% vốn YBM. Tăng vốn nhanh là nguyên nhân khiến tỷ lệ sở hữu của các cổ đông sáng lập giảm mạnh.

Ngoài EuroPlas, trong số cổ đông sáng lập của YBM còn có Công ty Khoáng sản công nghiệp miền Bắc với sở hữu 100.000 cổ phần, ông Lê Hoàn sở hữu 50.000 cổ phần và ông Nguyễn Tiến Dũng, hiện là Tổng giám đốc Công ty, sở hữu 100.000 cổ phần (tương đương 0,77% vốn, giảm so với mức ban đầu là 2,86%).

Hiện tại, Công ty Khoáng sản công nghiệp miền Bắc và ông Lê Hoàn không còn sở hữu cổ phần YBM.

Theo quy định, toàn bộ số lượng cổ phần của cổ đông sáng lập (3,5 triệu cổ phần) bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 3 năm kể từ ngày thành lập (5/10/2015).

Điều này có nghĩa, các cổ đông sáng lập chỉ được tự do chuyển nhượng cổ phần sau thời điểm 5/10/2018. Việc giảm số lượng cổ phiếu nắm giữ của một số cổ đông sáng lập nêu trên, được YBM giải thích rằng: “Việc chuyển nhượng cổ phần của cổ đông sáng lập đã được thông qua qua các kỳ họp Đại hội đồng cổ đông năm 2017 và năm 2018”.

Số lượng cổ phần hạn chế chuyển nhượng hiện nay là khoảng 2,4 triệu cổ phần, tương đương 18,46% vốn YBM.

Hiện tại, HĐQT của YBM có 5 thành viên, nhưng có 3 thành viên không sở hữu cổ phần YBM, đó là ông Hoàng Quốc Huy (Chủ tịch HĐQT), ông Huỳnh Song Trà (Phó tổng giám đốc EuroPlas) và ông Hoàng Văn Hùng.

Hai thành viên còn lại là ông Nguyễn Tiến Dũng (Tổng giám đốc, cũng là cổ đông sáng lập) và ông Hoàng Anh Quân (Phó tổng giám đốc, từng là người của EuroPlas). Ông Huy đang là đại diện sở hữu 23% vốn tại YBM của EuroPlas.

Về kế hoạch kinh doanh, năm 2018, YBM đặt kế hoạch tăng trưởng mạnh với doanh thu thuần 400 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 63 tỷ đồng, tăng lần lượt 81,7% và 113% so với thực hiện năm 2017 (cổ tức dự kiến 35%).

Tuy nhiên, lũy kế 6 tháng đầu năm 2018, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của YBM mới đạt 147 tỷ đồng và 20 tỷ đồng, tức mới hoàn thành 37% và 32% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận cả năm.

Với kết quả này, EPS cơ bản của YBM là 1.899 đồng và P/E là 15 lần. Nếu hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh cũng như tăng vốn, EPS cả năm 2018 ước đạt khoảng 3.937 đồng và P/E forward là 7,2 lần.

Sau nửa đầu năm, YBM đã đưa vào vận hành nhà máy giai đoạn 3 và 4 với tổng công suất 32.000 tấn/tháng. Theo YBM, Công ty đang có các hợp đồng lớn với CTCP Nhựa Châu Âu giá trị dự kiến 180 tỷ đồng, CTCP Khoáng sản VNS Việt Nam giá trị dự kiến 7,5 tỷ đồng, Công ty TNHH Nguyên liệu công nghiệp Thắng Phạm giá trị dự kiến 9 tỷ đồng.

Hiện YBM đang xây dựng Nhà máy sản xuất hạt nhựa Taical và sản xuất bột đá CaCO3 trên lô đất mới với tổng diện tích 4,4 ha, với công suất hạt nhựa Taical là 99.000 tấn/năm và bột đá CaCO3 là 150.000 tấn/năm.

Đồng thời, năm nay, YBM đi vào khai thác đá hoa làm bột đá CaCO3 tại mỏ đá thuộc khu vực xã Minh Tiến 1, Tỉnh Yên Bái, có trữ lượng 12.470.994 m3 và thời gian khai thác đến năm 2041. Với những dự án đang triển khai, YBM cho biết, sẽ hoàn thành kế hoạch đề ra.

ảnh 1

So sánh với một số doanh nghiệp hoạt động cùng lĩnh vực và đang niêm yết, YBM xếp sau HII (CTCP Nhựa và khoáng sản An Phát – Yên Bái), PLP (CTCP Sản xuất và công nghệ Nhựa Pha Lê), nhưng xếp trên AMC (CTCP Khoáng sản Á Châu) về doanh thu thuần, lợi nhuận sau thuế và vốn chủ sở hữu. EPS năm 2017 YBM vào khoảng 4.383 đồng (xem bảng).

Xét dưới góc độ thị trường, YBM cùng các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất bột đá không gặp quá nhiều cạnh tranh, trong khi ngành nhựa có dư địa phát triển lớn, nhưng khó khăn là phụ thuộc vào chính sách về khai thác khoáng sản và hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô.

Giá tăng phi mã, YBM đang mở ra cơ hội kiếm lợi nhanh cho nhà đầu tư, nhưng cũng có không ít người lo ngại, hiện tượng tăng giá quá mạnh có thể sẽ kích thích hành vi thoái vốn của các cổ đông sáng lập.Thị trường sẽ mang đến câu trả lời sau thời điểm 5/10/2018.

Tin tức liên quan Xem toàn bộ